Mạng lưới Giao thông Việt Nam đang thuộc loại yếu kém so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đạt chất lượng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia.
Phát biểu tại “Diễn đàn Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi (HYLI) lần thứ 11” sáng 9/1 tại Hà Nội, Tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng nhận định Việt Nam chưa thực sự có đường cao tốc, mà chỉ có khoảng 260 km đường tạm gọi là “cao tốc”. Bên cạnh đó, chất lượng đường sắt cũng còn thấp và chưa có những trung tâm điều hành hàng hóa ra vào các cảng biển, sân bay.“Đi 100km đường ở Việt Nam, ô tô tải phải mất trung bình 2,5 – 3 giờ. Thời gian thông quan hàng ở cảng phải mất từ vài ngày đến một tuần. Thời gian ngồi chờ ở sân bay lên tới vài tiếng, dù có khi bay trên trời chỉ mất một tiếng”, ông Vịnh nhấn mạnh.
Giao thông đang là vấn đề nổi cộm của Việt Nam nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tỏ ra lúng túng trong việc tháo gỡ. Mạng lưới hạ tầng giao thông chưa thực sự tốt, kết hợp với công tác tổ chức giao thông chưa khoa học khiến cho các vướng mắc của ngành giao thông càng gỡ, càng rối.
Kiến nghị tại Diễn đàn, ông Vịnh cho rằng để cải thiện Giao thông, ngoài việc có sự đầu tư thỏa đáng từ Nhà nước, cần có sự tham gia tổng lực của nhiều thành phần kinh tế và quan trọng là có sự tham gia của nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực giao thông, cụ thể là trong các khâu quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển...
Chìa khóa PPP
Ông Sukhumbhand Paribatra, Thống đốc Bangkok (Thái Lan) khẳng định, sự hợp tác công tư (PPP) là một chìa khóa rất quan trọng trong việc phát triển và cải thiện giao thông theo hướng bền vững cho những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Thái Lan.
Thái Lan đã đầu tư rất mạnh cho hạ tầng trong nhiều năm qua, liên tục mở rộng các tuyến đường và đẩy mạnh các tuyến giao thông trên cao, ông Paribatra cho biết. Theo ước tính, mỗi ngày có tới 6 triệu lượt người vào ra Bangkok, 60% trong số đó di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
“Làm sao tăng cường giao thông công cộng để phương tiện này chiếm tỷ lệ 60-70% lưu thông trên đường? Ứng xử như thế nào với các phương tiện cá nhân, với xe taxi khi mà Thái Lan hiện là quốc gia nhập khẩu xăng dầu hàng đầu khu vực?... là những câu hỏi luôn được chúng tôi đặt ra”.
Một số kinh nghiệm của Thái Lan đã được ông Paribatra chia sẻ tại Diễn đàn như khuyến khích người dân sử dụng xe eco-car bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, tích cực phát triển khí hóa lỏng như nguồn năng lượng thay thế mới để giảm nhập khẩu xăng và huy động Doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển giao thông.
Tầm nhìn trẻ
Bên cạnh các diễn giả uy tín, Diễn đàn HYLI năm nay còn quy tụ 28 sinh viên xuất sắc đến từ 7 nước trong khu vực châu Á, trong đó có 4 sinh viên đến từ Việt Nam. Các nhà lãnh đạo, diễn giả và sinh viên sẽ tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề “Giai đoạn mới cho châu Á –Quan điểm của châu Á về quản trị phát triển bền vững và hội nhập kinh tế: Năng lượng & Môi trường”.
Tham dự Diễn đàn với tư cách Khách mời danh dự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ chủ đề của HYLI năm nay là một trong những vấn đề đang rất nóng của khu vực, đồng thời là mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam.
“Chúng ta đang chứng kiến một châu Á phát triển nhanh, bất chấp tăng trưởng chậm tại các khu vực khác...Trên con đường đi tới thịnh vượng, hướng tới sự phát triển bền vững của khư vực, tầm nhìn của các thủ lĩnh trẻ châu Á đang có mặt tại đây sẽ góp phần đưa ra những ý tưởng sáng tạo, táo bạo để giải quyết những nguy cơ và thách thức”, Phó Thủ tướng khẳng định.