Xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2014 dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống và đối thủ mới nổi. Xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa sẽ khó khăn hơn, kế hoạch xuất khẩu có thể chỉ tương đương năm 2013, khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. Năm 2014 sẽ tiếp nối những khó khăn của năm 2013 nhưng áp lực nhiều hơn đối với các nguồn xuất khẩu do cung cấp dư thừa, cạnh tranh quyết liệt. Tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh xuất khẩu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá còn tiếp tục sút giảm trong thời gian tới. Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt, nhất là với Thái Lan về gạo thơm và gạo trắng. Lợi thế của Việt Nam là khả năng cạnh tranh của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao ở châu Phi và nhu cầu từ các thị trường gần, giao hàng nhanh ở Đông Nam Á. Khu vực Đông Nam Á mặc dù nhu cầu đang sụt giảm vẫn là các thị trường truyền thống có hợp đồng tập trung, Việt Nam có khả năng cạnh tranh khi có nhu cầu. Riêng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu biên giới góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa khi các thị trường khác sút giảm mặc dù vẫn tiềm ẩn rủi ro trong thương mại. Các thị trường xuất khẩu gạo Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi… tiếp tục duy trì tốt. Đặc biệt, nhiều thị trường tiêu thụ gạo mới như Dubai và các quốc gia vùng Trung Đông… có khả năng tiêu thụ khả quan. Ngoài ra, thị trường Úc và châu Âu cũng đang rộng mở đối với một số loại gạo cấp cao…